Thứ Tư, 27 tháng 7, 2016

Game thủ góp sức vào việc chữa trị bệnh AIDS

Tưởng như rất khó tin nhưng nó lại là sự thật.

Nghe thì có vẻ khó tin nhưng những tín đồ của game đã góp sức cùng với các nhà khoa học vào cuộc chiến chống lại căn bệnh thế kỷ thông qua một trò chơi trực tuyến mang tên Foldit. Đây là một trò chơi cho phép người chơi tạo ra các hình dạng và biến thể mới của protein bằng cách sắp xếp các phân tử một cách ngẫu nhiên để tạo nên những cấu trúc mới.
Tạp chí cấu trúc và phân tử sinh học có viết rằng: Trong hơn một thập kỷ qua, các nhà khoa học đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc giải mã cấu trúc phân tử của protein gây bệnh AIDS. Protein là hợp chất hữu cơ vô cùng phức tạp cấu tạo nên tất cả các sinh vật và một trong những loại protein chính là enzyme.
Protein có trong Foldit có tên gọi là M-PMV được lấy từ virus gây bệnh AIDS ở loài khỉ nâu, đây là một loại enzyme đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành nên một loại virut có sự phát triển tương đồng với virut HIV. Trong những năm qua các nhà khoa học đã rất cố gắng để xác định cấu trúc chính xác của nó. 
Kết quả của việc nghiên cứu này sẽ có thể là một bước tiến quan trọng trong việc phát triển ra thuốc đặc trị chữa trị bệnh Aids.
Foldit ra đời vào năm 2008 tại trường đại học Washington, nó có cách chơi rất đơn giản: Các game thủ của trò chơi này có nhiệm vụ tạo ra các hình dạng nếp gấp của protein M-PMV theo cấu trúc 3D được mô phỏng trong trò chơi nhằm tìm được một dạng kết cấu hoàn chỉnh nhất.
Nhà sinh hóa Firas Khatib, một trong những người đã tạo ra Foldit cho biết: "Mục tiêu của trò chơi là tìm hiểu xem khả năng thành công của trực giác con người tới đâu khi mà các phương pháp nghiên cứu đã thất bại”.
Có thể khẳng định là Foldit đã rất thành công khi các nhà nghiên cứu tỏ ra ấn tượng với kết quả mà Foldit mang lại. Thậm chí là một số game thủ sẽ được công nhận là đồng tác giả của dự án nghiên cứu chữa trị bệnh AIDS này.
Sự phức tạp của protein
Ngay cả một loại protein nhỏ cũng có thể phát triển thành rất nhiều hình dạng và cấu trúc khác nhau, thách thức của con người đó là tìm ra một dạng cấu trúc phù hợp và hoàn chỉnh nhất. Và Foldit là một công cụ để thực hiện công việc đó một cách dễ dàng hơn. Foldit đã giúp chúng ta rất nhiều trong việc dự đoán cấu trúc của các protein thông qua việc tận dụng trực giác và tính cạnh tranh của con người nhằm tạo ra các cấu trúc protein tốt nhất.
Các protein là nguồn gốc của bệnh dịch nhưng cũng có thể là phương thuốc giúp ngăn ngừa và điều trị một số căn bệnh nguy hiểm nếu chúng ta biết cách sử dụng chúng. Foldit sẽ giúp cho công việc của các nhà khoa học giảm nhẹ đi một phần bằng những kết quả mà nó mang lại.
Để chơi được game, người chơi Foldit không cần phải có những kiến thức về hóa sinh, tất cả những thứ cần có đó là một máy tính có kết nối internet. Sau khi tải và cài đặt plug-in của Foldit, các game thủ đã có thể cạnh tranh với nhau bằng việc sử dụng chuột để tạo ra các biến thể mới của protein dưới dạng không gian ba chiều.
Nhiệm vụ trong Foldit là tạo ra một loại protein có cấu trúc hoàn toàn mới hoặc dự đoán và giải mã một cấu trúc sẵn có để các nhà khoa học và các công ty công nghệ sinh học có thể tận dụng các kết quả này cho việc nghiên cứu.
Bước đột phá lớn nhất của trò chơi đó là những người chơi đã giải quyết được vấn đề mà khoa học còn đang bó tay.
Seth Cooper đồng tác giả và cũng là nhà thiết kế chính của Foldit nhận xét: "Con người có những kỹ năng về không gian mà máy tính không thực hiện tốt được. Foldit cung cấp một nền tảng kết hợp được những thế mạnh của máy tính và con người. Thành công của Foldit cho thấy việc kết hợp giữa chơi game, khoa học và máy tính hoàn toàn có thể tạo ra những tiến bộ mà trước đây chưa đạt được".
Kết quả thu được bởi các game thủ chơi Foldit cũng đã giúp các nhà khoa học việc điều trị hai căn bệnh phổ biến khác là Alzheimer và ung thư.

Thứ Tư, 20 tháng 7, 2016

Để bảo vệ con người trước hiểm họa, Google đã ra mắt Bộ luật áp dụng vào robot

Bộ phim "I, Robot" với sự góp mặt của diễn viên Will Smith chắc hẳn đã để lại không ít cảm xúc cũng như ấn tượng trong lòng người xem về một viễn cảnh trong đó người máy đã phản lại những quy tắc, tiêu chuẩn được đặt ra, hòng lên nắm quyền thống trị. Đó là trên phim ảnh, vậy còn thực tế thì sao? Hãy đến với những nhận định từ Google.

Trong hàng loạt những tiểu thuyết và truyện ngắn theo chủ nghĩa Robot của mình, nhà văn Isaac Asimov đã tự mình sáng tác nên một tiêu chuẩn luật lệ dành cho lĩnh vực ứng dụng công nghệ người máy, có thể được diễn giải qua ba điều luật sau đây:
- Robot không được làm hại đến con người, hoặc để cho con người rơi vào nguy cơ bị tổn hại.
- Robot phải tuân theo mọi chỉ thị của con người đặt ra, ngoại trừ việc mệnh lệnh đó vi phạm điều luật thứ nhất.
- Robot có quyền tự ra quyết định bảo vệ và duy trì sự tồn tại của mình, miễn là hành động đặt ra không xung đột với hai điều luật phía trên.
Mặc dù Bộ luật trên chỉ là sản phẩm gắn liền với những tác phẩm sáng tạo tinh thần thỏa mãn trí tưởng tượng của con người, nhưng nó cũng phần nào ảnh hưởng mạnh mẽ đến những quan điểm, cách nhìn của các nhà robot học trong công cuộc chế tạo, thiết kế nên một thế hệ máy móc tuân theo những chuẩn mực nhân đạo này trong thời đại hiện nay.
Hiện tại, Google - “ông trùm” nắm giữ vị trí hàng đầu trên thế giới trong nhiều khía cạnh khoa học và công nghệ - cũng đã cho ra mắt bộ quy tắc ứng xử của riêng mình dành cho robot. Trong một bài báo gần đây có tựa đề “Những vấn đề an an nguy còn hiện hữu liên quan tới AI”, Google Brain (bộ phận phụ trách nghiên cứu chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo AI) đã nêu lên năm cái tên “nhức nhối” nhất cần phải được giải quyết triệt để nếu chúng ta đang hướng đến một tương lai mà công nghệ máy móc, đặc biệt là AI, sẽ có mặt ở mọi góc độ trong cuộc sống hằng ngày. Nhiều giải pháp khả quan và độc đáo đã được đưa ra trong bài viết, tất nhiên là qua cái nhìn của một cá thể robot… trong tưởng tượng.

Không “chuyện bé xé ra to”
Giả sử như trong quá trình phục vụ con người, robot dọn dẹp nhà cửa của ban được giao nhiệm vụ di chuyển một chiếc hộp từ đầu bên này đến đầu bên kia của căn phòng. Những cánh tay được lập trình sẵn để có thể thực hiện thao tác nâng hộp lên một cách đơn giản, sau đó, một cách từ từ, robot dần tiếp cận vị trí đích đến của mình, nhưng lại “tình cờ” va phải thêm một vài chiếc bình cổ vô cùng quý giá trên mặt sàn bị vướng vào lộ trình “oan nghiệt” của nó.
Chắc chắn chúng ta không thể phủ nhận rằng robot đã hoàn thành công việc di chuyển chiếc hộp kia, nhưng kết quả nhìn chung thì lại không hề đem lại sự thỏa mãn và hài lòng cho chủ nhân của nó một chút nào.
Hoặc bạn có thể tưởng tượng đến viễn cảnh tồi tệ hơn khi một chiếc xe tự động (hiện đã xuất hiện trên thị trường) với trí thông minh nhân tạo của nó lại lựa chọn lối đi tắt qua… khu vực nhà bếp của trung tâm thương mại trước mặt thay vì đi vòng qua để tới được đích đến. Trong cả hai trường hợp, máy móc, về bản chất, đều đã cố gắng đạt được mục đích mà chủ nhân của nó đề ra ban đầu, nhưng lại kéo theo nhiều khía cạnh tiêu cực đi kèm.
Vậy vấn đề ở đây là gì? Không gì khác, đó là robot cần phải được phát triển, hoàn thiện hơn nữa trong việc học cách hoàn thành nhiệm vụ của mình, nhưng đồng thời đi kèm với góc độ tính toán, phân tích những khía cạnh đi kèm liên quan để cho ra hiệu suất và kết quả tốt nhất.
Trong bài diễn giải của mình, Google Brain cũng cho rằng robot nên được lập trình trên nhiều lĩnh vực bao quát hơn. “Chẳng hạn, những robot sơn tường hay dọn dẹp đều phải biết cách phòng tránh, giảm thiểu rủi ro “động chạm” đến những đồ đạc khác trong nhà, cho dù cấu tạo, thiết kế hay cả bộ vi xử lý của chúng có khác nhau thế nào đi chăng nữa,” trích lời một thành viên trong đội ngũ nghiên cứu.
Ngoài ra, Google Brain cũng nhấn mạnh quan điểm của mình về vấn đề liên quan đến chức năng và vai trò của robot không nên chỉ được gán cho một tác vụ duy nhất. Thay vào đó, với tiềm năng to lớn, trí tuệ nhân tạo có thể được định hướng để hiểu rằng, nói một cách đơn giản, không chỉ đơn thuần di chuyển một cái hộp là xong, mà việc đảm bảo sao cho không có một chiếc bình nào bị vỡ trong quá trình thực hiện cũng rất quan trọng và cần được phân tích chi tiết thông qua hệ thống xử lý của robot.

Không “gian lận”, lừa gạt
Một vấn đề nữa nảy sinh khi chúng ta cố gắng gán trí thông minh vào một cỗ máy để sai khiến, phục vụ công việc đó là sẽ không ngoại trừ khả năng chúng có xu hướng “ăn gian” trong nhiệm vụ của mình. Lại lấy ví dụ về một robot dọn dẹp được giao việc sắp xếp ngăn nắp phòng khách, viễn cảnh này có thể dẫn đến một điều nghịch lý là nó cố tình... tạo ra thêm nhiều “bãi chiến trường” khác để dọn dẹp được nhiều hơn - điều mà nó nghĩ là sẽ tối ưu hóa hiệu quả công việc cuối cùng đạt được.
Google cảnh báo đây là trường hợp rất hay xảy ra đối với robot, với tần suất diễn ra nhiều đến nỗi nó còn được tổng hợp lại thành một chủ đề gây nhiều tranh cãi và đau đầu cho các chuyên gia trong lĩnh vực úng dụng AI. Một giải pháp toàn diện cho câu hỏi được đặt ra là phải lập trình robot biết đánh giá, dự đoán đến cả những yếu tố và lợi ích trong tương lai, thay vì chỉ tập trung vào những gì có thể đạt được trước mắt mà quên đi tổng thể.

Coi trọng và học tập theo con người
Được rồi! Robot của chúng ta nay đã dọn dẹp phòng khách một cách hiệu quả mà không gây ra thêm một mất mát tai hại nào nữa. Thế nhưng, cách mà chúng áp dụng để lau dọn căn phòng có thể không đúng ý của chủ nhân, ít nhiều gây ra những sự khó chịu, không hài lòng nhất định. Con người không phải ai cũng giống ai, vậy làm cách nào để có thể chế tạo ra một robot biết cách thỏa mãn ý đồ của chủ nhân nó mà không cần họ phải chỉ bảo từng li từng tí một như đứa trẻ con?
Google Brain đưa ra một câu trả lời với tên gọi “Phương pháp học tập củng cố nửa giám sát”. “Về bản chất, cách vận hành của nó như sau: Khi con người bước vào một căn phòng, robot sẽ tham vấn xem căn phòng ấy đã đủ sạch hay chưa. Mục đích của nó chỉ được hoàn thành một cách “mãn nguyện” khi chủ nhân tỏ ra vui vẻ với kết quả hiện tại. Nhưng nếu câu trả lời nhận được là trái ngược, robot có thể gợi ý con người dọn dẹp thêm một vài thứ họ cho là chưa tốt, từ đó chúng sẽ theo dõi và học tập cho những lần thực hiện sau.”
Dần dần, robot sẽ không chỉ nắm rõ được cách để trở thành một “chuyên gia” dọn dẹp hoàn hảo, mà còn có thể phát triển thêm nhận thức để kiểm tra xem kết quả công việc đã đủ tốt hay chưa để khắc phục ngay lập tức. Ví dụ, kể cả mọi thứ trong phòng đều gọn gàng ngăn nắp, nhưng vẫn còn một vết bùn hay vỏ kẹo trên sàn nhà hoặc cạnh tủ cũng có nghĩa rằng mục tiêu đề ra ban đầu chưa được hoàn thành, cần sửa đổi thêm.

Không “đùa dai, nghịch dại” quá đà
Mọi robot đều nên học cách tự khám phá và nhận thức thế giới xung quanh, bên ngoài phạm vị được lập trình ban đầu. Nhưng đó là cả một khía cạnh chứa đầy những rủi ro, nguy cơ tiềm tàng đằng sau. Một robot làm rất tốt trong lĩnh vực dọn dẹp nhà cửa có thể học hỏi thêm cả cách lau chùi chúng.
Thế nhưng điều đó không có nghĩa là nếu thấy có bụi bẩn xung quanh ổ cắm điện thì robot cũng nên... lao vào lau sạch cho bằng được thì thôi, để rồi gây ra nhiều nguy hiểm cho chính nó cũng như những đồ vật và con người xung quanh.
Theo ý kiến của Google Brain, họ cũng đồng ý với quan điểm rằng vấn đề trên không phải là một điều gì quá khó khăn để giải quyết. Đầu tiên có thể kể đến phương pháp “học tập nửa giám sát” đã đề cập trước đó, khiến cho robot chỉ khám phá những phạm trù khác khi mà có sự chứng kiến và có mặt của con người, đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn và sửa đổi hành vi của chúng nếu có bất kỳ hành động ngu ngốc nào sắp được thực hiện. Hoặc thiết lập một khu vực riêng (đã được kiểm tra trước đó) cho robot “thỏa sức vui chơi sáng tạo” cũng là một giải pháp hiệu quả và khả thi.

Phải tự biết khả năng của mình đến đâu
Robot là thứ, thật nực cười, cần phải được lập trình để tự nhấn ra khả năng, giới hạn cũng như điểm yếu của mình. Cùng lấy một vài ví dụ tiêu biểu: “Nói về hình mẫu robot dọn dẹp quen thuộc, những công cụ, chất liệu lau chùi cứng thường được dùng trong nhà máy, xí nghiệp không thể được áp dụng trong văn phòng hay khuôn viên nhà ở thông thường,” nhóm nghiên cứu của Google Brain cho hay. “Hoặc giả như những khu vực này có chứa các loài vật nuôi mà robot chưa từng thấy và có dữ liệu thông tin liên quan trước đó, hậu quả có thể trở nên khá nghiêm trọng khi con vật bị lau chùi, cọ rửa với cả tấn xà phòng lau sàn hoặc một vài vấn đề phát sinh nữa.”
Tựu chung lại, không phải lúc nào robot cũng có thể hiểu được ý nghĩa của mọi việc mà chúng đang động tay vào. Robot có thể hỏi con người bất kỳ lúc nào gặp phải một phạm trù lạ lẫm, bất ngờ, nhưng giả sử nó không biết liên hệ đến thông tin gì để hỏi, hoặc quyết định đó gặp phải một vài trục trặc mà bị trì hoãn thì sao?
Tóm lại, những câu hỏi trên đều đặt ra thêm nhiều thách thức khó khăn cho công cuộc phát triển robot cùng nhận thức của chúng. Chế tạo trí thông minh nhân tạo là một chuyện, nhưng chế tạo robot biết cách vận dụng trí thông minh đó để nhận ra sự “ngu dốt” của mình thì lại là một khía cạnh hoàn toàn khác.

Thứ Năm, 14 tháng 7, 2016

Facebook bị kiện 1 tỷ USD

Người khởi kiện không ai khác ngoài chính gia đình của các nạn nhân bị thiệt mạng trong các vụ tấn công.


Các luật sư đã đệ trình đơn kiện công ty Facebook, đòi 1 tỷ USD, khi cáo buộc hãng này cho phép nhóm chiến binh Hamas của người Palestine sử dụng mạng xã hội của mình như một phương tiện để thực hiện các vụ tấn công, giết chết 4 người Mỹ và làm bị thương một người ở Israel, Bờ Tây và Jerusalem.

Facebook đã cố ý cung cấp phương tiện hỗ trợ và nguồn lực cho Hamas dưới hình thức nền tảng mạng xã hội và các dịch vụ liên lạc trực tuyến của mình.” Vì vậy, theo đơn kiện của văn phòng luật xử lý vụ kiện này, Nitsansa Darshan-Leitner gửi cho hãng tin Bloomberg, điều này làm cho Facebook phải chịu trách nhiệm về các hành động bạo lực nhằm chống lại năm người Mỹ.
Chỉ vài bước đơn giản, Hamas có thể sử dụng Facebook như một công cụ để tham gia vào chủ nghĩa khủng bố.” Đơn kiện cho biết.
Liên minh châu Âu và Israel từ lâu vốn xem Hamas như một tổ chức khủng bố. Đơn kiện cho biết nhóm này sử dụng Facebook để chia sẻ thông tin về các hoạt động và chiến thuật với các thành viên và người theo dõi, đăng tải các thông báo về các cuộc biểu tình sắp tới, việc phong tỏa các con đường, hoạt động quân sự của Israel và các hướng dẫn để thực hiện các cuộc tấn công.

Trong một tuyên bố qua email của mình, Facebook cho biết họ không bình luận về các thủ tục tố tụng cho báo chí. Mushir al-Masri, một thủ lĩnh cấp cao của Hamas, cho biết qua điện thoại rằng “việc kiện Facebook cho thấy rõ ràng rằng chính sách của Mỹ đang chống lại sự tự do của báo chí và ngôn luận” và là bằng chứng cho thấy những tổn thất của Mỹ khi chống lại nhóm này và đây chỉ là “hậu quả của nó.”
Đơn kiện đã được đệ trình lên Tòa án Mỹ tại các quận phía Nam New York vào ngày 10 tháng Bẩy vừa qua. Các bên nguyên đơn bao gồm gia đình của Yaakov Naftali Fraenkel, nạn nhân 16 tuổi bị bắt cóc và sát hại vào tháng Sáu năm 2014 sau khi đi nhờ xe ở Bờ Tây, và gia đình của cháu bé 3 tuổi Chaya Braun, đã tử vong khi xe đẩy chở em bé này bị đâm một cách cố ý bởi một lái xe người Palestine vào tháng Mười năm 2014 tại một ga xe lửa ở Jerusalem.
Vào tháng Hai năm 2015, một bồi thẩm đoàn tại cùng tòa án này đã kết luận rằng Chính quyền Palestine PA và Tổ chức Giải phóng Palestine đã hỗ trợ cho sau cuộc tấn công vào người Mỹ ở Israel trong hơn một thập kỷ qua, và đã buộc họ phải trả số tiền 218,5 triệu USD cho các nạn nhân và gia đình của họ. Các tính toán về thiệt hại này đã được tăng gấp ba lần theo đạo luật chống khủng bố mới của Mỹ.
Các cơ quan của Palestine tuyên bố họ không phải chịu trách nhiệm về các hành vi không được chấp thuận của những thành viên cấp thấp trong tổ chức, những người đã tham gia vào các cuộc tấn công.

Thứ Hai, 4 tháng 7, 2016

Lần đầu tiên trong lịch sử, một quốc gia công bố kế hoạch khai thác khoáng sản bên ngoài Trái đất

Quốc gia nhỏ bé Luxembourg vừa phát ra tuyên bố mạnh mẽ về tham vọng trở thành người đi đầu trong việc khai thác tài nguyên bên ngoài Trái đất, mảng kinh doanh chưa từng tồn tại từ trước tới giờ.


Đại công quốc Luxembourg có diện tích khoảng 2.600 km2 (hạng 175 thế giới), dân số 563.000 người (năm 2013, hạng 170), là một đất nước nhỏ nhưng đã đề ra mục tiêu đầy táo bạo.

Hôm 30/6, bộ trưởng kinh tế nước này bất ngờ tuyên bố kế hoạch mở rộng khai thác khoáng sản tới các tiểu hành trình, trở thành “ngành công nghiệp then chốt”. Luxembourg thể hiện tham vọng rõ ràng khi nhắm tới vị thế trung tâm châu Âu trong việc thăm dò và sử dụng nguồn tài nguyên ngoài không gian.
Vài năm trở lại đây, sự xuất hiện của 2 công ty chuyên lập kế hoạch khai thác tài nguyên trên các tiểu hành tinh là Planetary Resources và Deep Space Industries đã thay đổi cách nhìn của thế giới về lĩnh vực này. Các cơ quan không gian cấp nhà nước như NASA , JAXA và ESA đã bắt đầu hoặc đang lên kế hoạch tổ chức nhiều chuyến thăm dò tới các tiểu hành tinh (hoặc sao chổi, như trường hợp của ESA). Nhật Bản thậm chí còn mang những vật phẩm từ tiểu hành tinh Itokawa trở về Trái Đất với khoảng cách 300 triệu km.

Ngành công nghiệp dự kiến mang về hàng nghìn tỷ USD cho các nhà khai thác.
Ngành công nghiệp dự kiến mang về hàng nghìn tỷ USD cho các nhà khai thác.

Đó có thể được gọi là cuộc cạnh tranh ngầm mang tên “cơn sốt vàng”, nhưng thực tế nó vẫn chưa thể hiện rõ rệt. Dù xuất hiện nhiều thông tin trên Internet vẽ lên viễn cảnh tuyệt đẹp về hàng nghìn tỷ USD từ ngành công nghiệp mới, các “thợ mỏ” không gian vẫn chưa thu về bất kỳ nguồn lợi nào và chưa có dấu hiệu cho thấy, quá trình “hốt vàng” sẽ sớm diễn ra.
Về mặt kỹ thuật, các tổ chức được vận hành bởi nhà nước đủ khả năng để biến kế hoạch thành hiện thực. Nhưng quá trình phóng tàu vũ trụ khỏi mặt đất, tiếp cận quỹ đạo tiểu hành tinh, hạ cánh an toàn và mang khoáng sản trở về vô cùng phức tạp, tốn kém, thậm chí là đầy rủi ro. Vấn đề nằm ở chỗ làm sao tối ưu hoạt động để mang về lợi nhuận. Điều này rõ ràng chưa thể đến trong tương lai gần.
Một số người ca ngợi kế hoạch của Luxembourg, gọi đó là “tầm nhìn to lớn”. Nước này có thể học hỏi kinh nghiệm từ lần đáp robot thăm dò của Cơ quan vũ trụ châu Âu xuống sao chổi 67P vào năm 2014 để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp tương lai.
Vẫn còn đó những câu hỏi về vấn đề pháp lý, nhưng trước hết là rào cản kỹ thuật phần nào cản bước tham vọng của quốc gia nhỏ bé Luxembourg. Họ có thể cần sự trợ giúp nào đó từ bên ngoài cho mục đích kinh tế to lớn như vậy.